MC mà gọi là “quản trò.”



Phương Ngạn/Người Việt

Miền Nam, người ta thường gọi người dẫn chương trình trong tiệc cưới là MC, miền Trung thì ít gọi là MC mà gọi là “quản trò.” Ðiểm khác nhau giữa MC miền Nam và “quản trò” miền Trung có lẽ là giọng nói, phong cách dẫn chuyện và trên hết là tính chuyên nghiệp.
Nghề quản trò, hay người dẫn chương trình, nhiều khi nói và cười như một cái máy. (Hình: Phương Ngạn/Người Việt)

Nếu như MC miền Nam dẫn chương trình theo một sườn chương trình lên sẵn, sân khấu, tháp rượu Champagne và ánh sáng cũng theo bố cục qui ước thì quản trò miền Trung đơn thuần làm theo ngẫu hứng, dẫn trò. Có lẽ vì điều kiện kinh tế miền Trung còn eo hẹp, nên nghề quản trò ở đây có khi cười ra nước mắt.
Trần Tuấn, người Ðiện Bàn, Quảng Nam, có tiếng là quản trò vui nhộn, có duyên, nhưng cũng nổi tiếng là người khó tính, than thở: “Nghề này làm dâu trăm họ mấy ông ơi, tưởng là ngon cơm nhưng thật ra khó nói lắm, chung qui, người Việt Nam của mình còn sến lắm!”
“Tui cũng đi nhiều đám cưới miền Nam, làm quản trò hơn ba trăm cái đám cưới miền Trung, tui rút ra một bài học, người miền Nam ít sợ chính quyền hơn người miền Trung. Có ai mà trong ngày cưới của con mình, cha mẹ cứ lên phát biểu cám ơn chính quyền, được sự cho phép của chính quyền để có đám cưới, nghe mà ớn lạnh!”
Cùng tâm lý với Tuấn, Nguyễn Văn Khu, vốn là thầy giáo dạy môn địa lý cấp trung học phổ thông, bỏ dạy đi làm quản trò đám cưới, cho biết: “Nghề dạy học đã chán, giờ bước vào nghề quản trò mới thấy chán hơn, chuyện lấy tiền thì đơn giản thôi, cứ làm xong buổi thì kiếm từ 250,000 đồng đến 300,000 đồng. Tháng nhiều đám cưới thì để dành cho tháng ít đám, cũng tạm.”
“Ðó là chưa nói đến phần chủ nhà, nhiều người cố làm cái đám cưới cho to, nợ như chúa chổm, tiền của mình họ cũng nợ vài tháng mới trả.”
Anh Nguyễn Văn Khu kể thêm, “Buồn cười nhất là mấy tay lãnh đạo địa phương, hễ có đám cưới thì phải mời họ đến dự miễn phí, ngồi bàn trên, ăn cục nói hòn, to tiếng lắm, nhiều khi đăng ký hát, đòi phải hai bài mới hát, một bài thì làm giận làm hờn không chịu hát, mình chẳng hiểu mấy tay này nghĩ sao mà làm vậy nữa!”
“Nghề quản trò ở miền Trung chưa có tính chuyên nghiệp, chưa được qua khóa đào tạo nào, hơn nữa, đáng sợ nhất vẫn là những tay bí thư đoàn thanh niên cộng sản nhận làm, cái này mình không rõ nguyên nhân làm sao lại ra thế, chỉ biết là phần lớn các buổi tiệc cưới tại miền Trung hay bị biến hình thành buổi hát tập thể, nhảy nhót, tuyên truyền nhạc đỏ...”
Ông Trần Nhật Trung, có thâm niên quản trò đám cưới hơn 30 năm, trước đây vốn là huynh trưởng một gia đình Phật tử thuộc Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất, sau này bị nhà cầm quyền cấm sinh hoạt, và mọi công việc kinh doanh của ông cũng bị gặp khó khăn, ông chuyển sang đi quản trò đám cưới, sở trường của ông là đọc thơ Du Tử Lê trong buổi cử hành lễ, ông làm nghề khá uy tín nhưng vẫn túng thiếu quanh năm.
Ông Trung tâm sự: “Thường thì người miền Trung có hai tháng kỵ đám cưới là Tháng Giêng và Tháng Tư, tháng Giêng họ thích đi đám ma, Tháng Tư thì họ kiêng vì đang là tháng cô hồn, hai tháng này nghề liên quan đến tiệc cưới đều rảnh rỗi, ế ẩm.”
“Làm nghề quản trò là cái nghề bán nước bọt kiếm ăn, chẳng có gì vui mà cũng chẳng có gì là buồn, đôi khi vô cảm, cứ nói như một cái máy, thật ra, nghề này cũng hồn vía lắm nếu như gặp chỗ có chiều sâu. Mà thường thì những nhà nghèo, nhà trí thức tổ chức đám cưới cho con cái có hồn hơn mấy nhà giàu, người Việt mình hay bị cái thói trọc phú, kiểu kệch cỡm, hợm hĩnh cán bộ vây lấy, nên họ có vài đồng là nhìn lố bịch.”
“Có lần, tui làm quản trò cho một đám cưới con nhà chủ tịch huyện, nói chung mấy ông khách thì cũng có người tử tế, lịch sự, nhưng đa phần ăn nói bổ bả, hổ lốn, tới khi trả tiền cho mình, nó cho thêm năm trăm ngàn đồng nhưng nói giọng rất hách dịch, mình cám ơn và từ chối khéo, thật là buồn cho cái văn hóa nhà quan bây giờ!”
“Mùa sắp Tết cũng là mùa cưới từ Nam chí Bắc, miền Trung không ngoại lệ, tiệc cưới diễn ra khắp nơi, mình có thể cho ra một nhận định, tuy hơi buồn, đa phần đám cưới không còn ý nghĩa gặp gỡ hai họ, ra mắt cô dâu chú rể mà là một kiểu xin khéo, lòe đời, vô bổ.”
“Ví dụ như chủ nhà có khả năng tài chính và lượng khách chừng 50 người, họ cũng cố gắng vắt óc tìm ra những người quen sơ sơ, chẳng thân thiết gì để mời, để tổ chức lên cho được hai, ba trăm khách, chạy vay chạy mượn để tổ chức, xong rồi lấy tiền khách cho để trả nợ. Làm vậy để làm gì chứ? Vừa mệt cho gia đình, tội cô dâu chú rể mà lại vừa phiền phức cho người bị mời...”
Cô Trần Lê, một nữ quản trò khá nổi tiếng ở Quảng Ngãi, chia sẻ thêm: “Nhà mình làm trọn gói đám cưới, từ cho thuê âm thanh đến thiết kế sân khấu, cho thuê bàn ghế, rạp... Mình thấy có hai loại người rất kệch cỡm và thực dụng trong đám cưới, loại cán bộ có chức quyền nhà nước và loại nhà giàu trọc phú.”
“Loại cán bộ nhà nước có chức quyền thì lợi dụng người chung quanh, đám cưới con họ có thể lên vài ba ngàn khách, thậm chí cả mười ngàn khách, thức ăn thì làm qua loa, như đám cưới của con một tay trưởng công an kiêm phó chủ tịch xã, mời đến sáu ngàn khách, cà ri thì thịt còn sống, bưng lên rồi lại bưng xuống, đãi cho tiệc sau, nói chung là khách đến đóng tiền cho gia đình y thì đúng hơn!”
“Loại người thứ hai thì không bị tính lợi dụng nhưng lại có tính khoe khoang, thích làm nổi, giàu chưa bao nhiêu nhưng làm đám cưới rình rang, xe này xe nọ, tiệc đãi ngàn khách, nói chung vẫn thu lãi, nhưng lại rất khoe mẽ và xun xoe cán bộ, mời cả đống cán bộ đến ăn tiệc con mình, làm ra vẻ mình có thế lực... đủ trò!”
Nói về chuyện mùa cưới và nghề quản trò ở miền Trung thì có thiên hình vạn trạng để kể, nhưng chung qui, vẫn là hai dấu hiệu đáng buồn: Tiệc cưới ngày càng bị tính thực dụng chi phối và hay bị biến tướng thành buổi sinh hoạt đoàn tập thể bới mấy tay quản trò gốc bí thư Ðoàn thanh niên Cộng sản; Ðám cưới ngày càng mất đi vẻ quê kiểng nên thơ của nó và ngày càng xa xỉ, rỗng tuếch, khoe mẽ...

No comments: